Trang sưu tập về bóng đá Việt Nam. Tư liệu bài viết và hình ảnh trên trang được chụp lại từ các nhật báo, tạp chí thể thao trong nước. Vô cùng cảm ơn các tác giả và mong được lượng thứ!

Lịch sử bóng đá Việt Nam (1896-1975)

Lịch sử bóng đá Việt Nam (1896-1975) 

1. PHÁT TRIỂN NỘI BỘ: 

Theo những tài liệu còn lưu giữ được thì bóng đá đã theo chân người Pháp du nhập vào nước ta vào khoảng năm 1896. Và tất nhiên, trước tiên là tại Nam Kỳ, sau mới lan ra Bắc và Trung. 

 a. MIỀN NAM: 

Những người chơi bóng đầu tiên ở Sài Gòn là người Pháp (công chức thuộc địa, thương gia, binh lính), và sân chơi của họ mỗi cuối tuần là công viên thành phố, tên Pháp lúc bấy giờ gọi là Jardin de la Ville (Vườn Ông Thượng, sân Tao Đàn bây giờ). 

Dần dà, những người Âu có điều kiện khác cùng tới chơi. Sau đó, một số ít người Việt Nam, công chức hoặc thương gia mang quốc tịch Pháp, cũng bắt đầu tham gia. Quả bóng bầu dục đôi khi còn xuất hiện lúc đầu được thay hẳn bằng bóng tròn, và họ tập hợp nhau lại thành câu lạc bộ, lấy tên là Cercle Sportif Saigonnais. 

Năm 1905, đội bóng của chiến hạm Anh mang tên King Alfred ghé thăm Sài Gòn, và đã đấu giao hữu với một đội Pháp Việt; đây là trận bóng quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. 

Năm 1906, E. Breton, một uỷ viên Pháp trong L'Union des Sociétés Francaises des Sports Athlétiques đem luật lệ bóng đá sang Việt Nam phổ biến, và trong vai trò Hội Trưởng, chấn chỉnh lại Cercle Sportif Saigonnais theo cách tổ chức của các câu lạc bộ bóng đá bên Pháp. Nhiều câu lạc bộ khác được bắt chước thành lập và hoạt động, như Infanterie, Saigon Sport, Athletic Club, Stade Militaire, Tabert Club... Các giải bóng đá cũng bắt đầu được tổ chức từ đó. 

 Do được tổ chức, huấn luyện có quy củ hơn, Cercle Sportif Saigonnais liên tiếp thắng nhiều mùa giải: 1907, 1909, 1910, 1911, 1912, 1916... Dân ta rất nhạy cảm với bóng đá, sớm yêu thích và tự thấy mình cũng có thể chơi bóng đá giỏi nên bắt chước; học sinh, thợ thuyền, công chức rủ nhau chơi, dù trong điều kiện cực kỳ khó khăn, nhất là về sân bãi. Nhưng chỉ trong vài năm, nhiều người Việt đã nắm được luật lệ và kỹ thuật bóng đá nên tự lập đội bóng của mình, lấy tên là Gia Ðịnh Sport (đội bóng Việt Nam đầu tiên, thành lập năm 1907, do các ông Ba Vẻ, Phú Khai dẫn dắt, sau nhập một với đội Ngôi Sao Xanh (Etoile Bleue) của ông huyện Nguyễn Ðình Trị, thành Ngôi Sao Gia Ðịnh). 

 Từ năm 1920 thì ta đã có nhiều cầu thủ hay. Ngôi Sao Gia Ðịnh đã thắng tất cả các đội bóng khác mà số đông là đội người Âu, kể cả đội Cercle Sportif Saigonnais của ông Breton (1917), giành Cúp vô địch. Suốt thập kỷ 1925-1935, đội Ngôi Sao đã lừng danh với một thế hệ cầu thủ còn được nhiều người nhắc nhở cho đến nay: Sách, Thơm, Nhiều, Quý, Tịnh, Xường, Trung, Thi, Vi, Mùi, Tiếc, Rớt, Tài, Út, Danh, Giỏi, E. Quang... 

Sang thập kỷ 1945-1954, đội Gia Ðịnh còn tiếp tục ngự trị trên bóng đá Nam Kỳ với một thế hệ cầu thủ xuất sắc khác: Maurice Tài, Coón, Lý Ðức, Quới, Hiếu, Thọ 2, Tư, Mai, Mỹ, Thách, Thọ Ve, Bùi Nghẻn, Khê… Cũng trong thập kỷ 1920, tự thấy mình có thể đứng độc lập được, giới hâm mộ và những nhà dẫn dắt hợp tác thành lập một Tổng Cuộc Bóng Ðá riêng cho người Việt, bầu ông Nguyễn Đình Trị làm Trưởng Ban Trị Sự, và mua đất làm sân riêng. 

Lúc ấy đã có một Tổng Cuộc Bóng Ðá do người Pháp chủ trì, nên việc hợp tác giữa hai Tổng Cuộc không thể tốt đẹp. Dù vậy, hai bên vẫn phải hợp tác tổ chức những cuộc thi đấu, như Giải Vô Ðịch Nam Kỳ chẳng hạn. Trong một trận nẩy lửa giữa Cercle Sportif Saigonnais và Ngôi Sao Gia Ðịnh năm 1925, việc trọng tài người Pháp đã đuổi cầu thủ Paul Thi ra khỏi sân sau một cuộc xô xát, khiến cầu thủ này của đội Ngôi Sao bị treo giò vĩnh viễn sau đó, càng làm cho việc hợp tác thêm khó khăn. 

Giải Vô Ðịch Nam Kỳ bị gián đoạn trong nhiều năm, chỉ bắt đầu lại năm 1932, với 6 đội người Việt và 3 đội người Pháp. Tuy vậy, từ 1925 đến 1935 cũng có đến khoảng 29 giải bóng đá đủ loại được tổ chức, Gia Ðịnh một mình đăng quang hết 8 lần, xác định vai vế vua bóng đá miền Nam Việt một thời, số còn lại chia đều cho các đội Victoria, Khánh Hội, Cercle Sportif Saigonnais, Jean Comte, Auto-Hall (Nam), Commerce Sport, Thủ Dầu Một… 

Ở miền Nam, về các đội bóng vùng Sài Gòn, ngoài Ngôi Sao Gia Ðịnh, còn có Victoria Sportive, Commerce Sport, Jean Comte, Sport Cholonaise, Khánh Hội Sport, Tân Định Sport, Gò Vấp, Hiệp Hoà, Chợ Quán, Phú Nhuận, Đồng Nai, Enfants de Troupe…; ở các tỉnh có: Thủ Dầu Một, Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc, Gò Công, Châu Đốc, Mỹ Tho... 

Còn về sân bãi, phải kể đến các sân Vườn Ông Thượng (tức sân Tao Đàn), sân Citadelle (tức sân Hoa Lư), sân Renault (sau đổi thành sân Cộng Hoà, tức sân Thống Nhất ngày nay); một số khác chỉ còn trong ký ức như các sân Fourières (ở Bà Chiểu, gần lăng Lê Văn Duyệt), Mayer (góc đường Võ Thị Sáu - Trần Quốc Thảo ngày nay), và Marine (ở gần Trung tâm Mắt Thành Phố hiện nay)... Trên các sân này, đã xuất hiện bao thế hệ cầu thủ bóng đá Việt Nam mà tên tuổi vẫn còn lưu mãi trong ký ức tập thể của giới mộ điệu. 

Ngoài các giải, cúp khá rầm rộ tại Sài Gòn và ở các tỉnh, Tổng Cuộc Bóng Ðá An Nam còn tổ chức tiếp đón nhiều đội bóng nước ngoài, và cử đội tuyển đi thi đấu tại Thái Lan, Campuchia, Malaysia,... Cao trào ấy đã làm môn thể thao vua này lan rộng ra cả nước. Đi đến đâu, bóng đá cũng được dân ta hưởng ứng, luyện tập, và tham gia nhiệt tình. 

Thuở ấy bóng đá chưa thành nghề mưu sinh, và người chơi bóng chỉ xem đây là một thú tiêu khiển, tập luyện nhằm nâng cao sức khỏe là chính yếu. Đa phần cầu thủ đều sống đạm bạc, đi bộ hay đón xe thổ mộ đến sân tập dượt; thỉnh thoảng mới được các chủ hội cho vài cắc ăn hủ tiếu, uống cà phê khi đá thắng. Một khía cạnh lý thú khác: mặc dù là cội nguồn bóng đá của cả nước, Sài Gòn chưa có bóng đá nữ. 

Khoảng năm 1932, ở miệt vườn Cần Thơ mới xuất hiện đội bóng nữ Cái Vồn do ông bầu Sửu thành lập (kỹ sư canh nông Trần Khắc Sửu, sau làm tổng thống VNCH khoảng 1964-1965; còn Cái Vồn là đội nữ đầu tiên của Việt Nam và có thể của cả Á Châu!). Vài năm sau, có thêm đội Bà Trưng ở miệt Rạch Giá - Long Xuyên. Vào những dịp lễ Tết, các đội này kéo "gánh" lên Sài Gòn... biểu diễn. Một kỳ tích: năm 1933, đội nữ Cái Vồn thi đấu với đội nam Paul Bert tại sân Mayer, và hòa 2-2! 

b. MIỀN BẮC VÀ MIỀN TRUNG: 

Ở miền Bắc, cho đến khoảng năm 1900, ba môn thể thao mà người Pháp thường chơi và được báo chí nói đến là đua ngựa, đấu kiếm và ném quả lăn. Như vậy, bóng đá có lẽ đã chỉ xâm nhập vào đất Bắc khoảng 1906-1907, sau tiếng vang do cuộc viếng thăm của đội King Alfred ở Sài Gòn. 

Ngày 22/12/1909, tờ báo tiếng Pháp Tương Lai Bắc Kỳ (L'Avenir du Tonkin) mới viết vài dòng về trận đấu giữa đội bóng Lê Dương Đáp Cầu (Legion Đáp Cầu) và đội Olympique Hải Phòng (đội Hải Phòng khi đó bao gồm cả cầu thủ người Pháp lẫn người Việt), với mấy dòng tường thuật như sau: Trận đấu diễn ra sôi nổi khiến khán giả rất thích. Các cầu thủ Đáp Cầu chơi có phần hay hơn, nhưng Hải Phòng chơi cũng chặt chẽ, lại không biết dùng đầu. Hai bên biểu diễn hòa nhã, không kêu hét ầm ỹ. Trọng tài công bằng. Cuối cùng Hải Phòng thắng: 2-1. 

Nhưng ở trận phục thù, cũng tờ Tương Lai Bắc Kỳ ngày 30/1/1910 cho biết Lê Dương Đáp Cầu đã thắng lại đội Hải Phòng 8-1, ngay trên sân Hải Phòng. Riêng ở Hà Nội, tháng 2 năm 1912, một Câu Lạc Bộ Bóng Ðá Hà Nội (Stade Hanoien) cũng ra đời, bao gồm các đấu thủ người Việt và một số người Pháp như Menin, Megy, Bernard, Bonardi... 

Về phía quân đội Pháp, họ có Trung Ðoàn Bộ Binh Thuộc Ðịa (Régiment d’Infanterie Coloniale, RIC), Ngôi Sao Xanh (Étoile Bleue), Lê Dương Đáp Cầu, Lê Dương Việt Trì, và một vài đội nữa. Trung Ðoàn Bộ Binh Thuộc Ðịa có trình độ khá cao, với nhiều cầu thủ còn để lại tiếng tăm lâu dài như Luier, Lauroix, Marinelli, Beye. Ngày 1/11/1913, trận cầu giữa Câu Lạc Bộ Bóng Ðá Hà Nội và Trung Ðoàn Bộ Binh Thuộc Ðịa đã lôi cuốn được gần 3.000 khán giả, kết quả đội bộ binh Pháp thắng 5-3. 

Trong hai thập kỷ 1910-1920, các đội bóng của người Việt phát triển mạnh. Mới đầu chỉ là những đội chân đất do học sinh các trường đi tiên phong. Bóng dùng là bóng cao-su mầu trắng mua từ các cửa hàng người Hoa, Việt hoặc Nhật. Nhiều khu phố cũng có đội bóng riêng. 

Hà Nội thuở ấy chỉ có khoảng trên dưới 10 vạn dân, các trận giao hữu thường diễn ra ở mọi bãi trống, thậm chí cả trên các ngã ba, ngã tư phố vắng, đặc biệt là gần Nhà thương Đồn Thủy (bệnh viện Hữu Nghị hiện nay) hoặc trước Trường Hàng Kèn (Quang Trung hiện nay), đường Gambetta (Trần Hưng Đạo hiện nay)... Sau này, để có sân chơi tương đối đúng kích thước cho các giải chân đất và chân giày của người Việt, Ðội Chớp Nhoáng (Eclair) và Câu Lạc Bộ Bóng Ðá Hà Nội mới hợp tác lập ra sân Nhà Dầu (gần kho xăng hãng Shell, sát cầu sông Cái, nay là cầu Long Biên). Riêng sân Mangin (sân Hàng Cỏ, nay gọi là sân Cột Cờ) có kích thước chính xác nhất, thuộc về nhà binh Pháp quản lý và chỉ được dùng cho các giải thi đấu chân giày chính thức. 

Chính trên sân Mangin, một giải vô địch bóng đá riêng cho Bắc Kỳ đã được tổ chức lần đầu vào khoảng 1918-1919, với không khí tưng bừng của ngày lễ hội: một tiểu đội quân nhạc vừa đi vừa thổi kèn quanh sân, sau đó trận bóng mới bắt đầu. Lúc đầu khán giả vào xem không mất tiền; về sau, ban tổ chức mới kê bàn ngăn bốn đường vào sân bán mỗi vé một hào. Ðấy là về sân chơi. Về các đội bóng, những năm cuối thập niên 1930 đầu 1940 là đỉnh cao của bóng đá Việt Nam thời kỳ đầu, cả về phong trào cũng như thành tích. Thời kỳ này hầu như tỉnh nào cũng có một đội bóng, từ Bắc vào Trung, không kể Nam Bộ là nơi khởi thủy. 

Ở phía Bắc, ngoài Chớp Nhoáng (do nhà mạnh thường quân, kiêm tiền vệ nổi danh Trần Văn Quý cầm đầu) và Câu Lạc Bộ Bóng Ðá Hà Nội, còn phải kể đến Racing Club, Lạc Long Ngọn Giáo (La Lance), Hoả Xa (Usaga), Trường Bưởi (Chu Văn An hiện nay), Đại học (Université Club), Ngân Hàng, Ô-tô Han (Auto Hall)…ở Hà Nội, Voi Vàng Ðất Cảng, Olympique Hải Phòng, Mũi Tên (La Flèche), Radium (Trung Học), Thanh Niên Bắc Kỳ (La Jeunesse Tonkinoise) ở Hải Phòng, Hồng Bàng ở Nam Định, Phủ Lý Thể Thao ở Phủ Lý, đến như Lạng Sơn là một địa đầu biên giới miền núi cũng có Le Semeur. Miền Trung cũng có ASNA Vinh, Sept Huế, Touranne, Faifo Cheminot Nha Trang. 

 c. HỮU NGHỊ ĐÔNG DƯƠNG

Năm 1931, nhận lời mời của Tổng Cuộc Bóng Ðá ở Sai Gòn, các đội Chớp Nhoáng ở Hà Nội và Thanh Niên Bắc Kỳ ở Hải Phòng là những đội đầu tiên từ miền Bắc đi ô-tô vào Nam thi đấu giao hữu; chuyến "Nam du" vô cùng vất vả và chật vật (Ngôi Sao Gia Định hạ Chớp Nhoáng 5-0, Victoria Sport thắng Thanh Niên Bắc Kỳ 1-0), nhưng có tác dụng chắp nối nhịp cầu thể thao Bắc - Nam rất lớn. 

Năm 1936, khi khánh thành đường xe lửa Đông Dương, Thứ Trưởng Bộ Thuộc Ðịa Pháp Léo Lagrange đã có điều kiện tổ chức lần đầu tiên một cuộc thi đấu gồm 5 đội tuyển: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào và Campuchia (lúc đầu mang tên là Giải Léo Lagrange, sau đổi thành Giải Petain, rồi Giải Vô Ðịch Bóng Ðá Đông Dương). Từ đấy, cuộc thi đấu tranh giải trở thành truyền thống hàng năm, khi hội đủ điều kiện. 

Cũng vào khoảng thời gian này, thế chiến thứ hai bùng nổ. Mặt Trận Việt Minh ra đời và công khai vận động nhân dân đứng lên giành độc lập. Nhà cầm quyền Đông Dương khởi xướng phong trào Khoẻ Ðể Phụng Sự, giao cho đại tá Ducroy tổ chức Giải Vô Ðịch Bóng Ðá Đông Dương, hầu lôi kéo một bộ phận thanh niên thành thị lao vào thể thao mà xa lánh chính trị. 

Cùng với nhiều bộ môn thể thao khác như bóng bàn, đua xe đạp, đấu quyền Anh,... bóng đá cũng đã thừa cơ phát triển rộng khắp, và đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhưng từ 1945 trở đi, do tình hình chính trị khẩn trương và sau đó là chiến tranh, việc tổ chức cũng như trình độ bóng đá đều đình trệ và xuống cấp. 

Riêng về Giải Vô Ðịch Bóng Ðá Đông Dương, có thể ghi lại kết quả của 4 năm đầu: 

- Lần 1 (1941) Hà Nội: Nam Kỳ hạ Trung Kỳ 4-2, đoạt chức vô địch. 

- Lần 2 (1942), Huế: Nam Kỳ hạ Bắc Kỳ 3-2, giữ chức vô địch 

- Lần 3 (1943) Pnôm Pênh: Nam Kỳ hạ Trung Kỳ 1-0, giữ chức vô địch 

- Lần 4 (1944) Pnôm Pênh: Bắc Kỳ hạ Nam Kỳ 3-0, giành chức vô địch. 

2. THÀNH TÍCH QUỐC TẾ: 

Nếu như những năm đầu thập kỷ 1930, đội bóng Nam Hoa của Hồng Kông thắng các đội Việt Nam dễ dàng, và trung phong Lý Huệ Đường đã ngạo mạn nhận xét: bóng đá An Nam như ếch ngồi đáy giếng làm sôi máu làng cầu nước ta thì chỉ mấy năm sau, cùng với đội hình chưa mấy đổi thay, Lý "Cầu Vương" và các đồng đội Phùng Cảnh Tường, Lê Triệu Vinh đã hết qua nổi các hậu vệ Cao Hoài Cúi, Nguyễn Hữu Đước, Trương Tấn Bửu của đội An Nam. Ngược lại, hậu vệ Lưu Khánh Tài, Lý Thiên Sanh của Nam Hoa không cản được cặp Tiền - Tốt phá lưới, buộc thủ môn Bảo Gia Bình của Nam Hoa phải nhiều lần vào cầu môn nhặt bóng. 

Năm 1938, Hoa Nam thua đội tuyển Nam Kỳ 1-2 tại Gia Định. Tháng 5/1938, sang thi đấu tại Hồng Kông, Tuyển Nam Kỳ thắng Tuyển Hồng Kông 4-0, hoà Hoa Nam 1-1, thắng Hải Quân Anh 6-2, thắng Quân Ðội Anh ở đó 3-0, sang Philipin thắng Létan 4-0, và La Salle (đương kim vô địch Philipinnes) 3-0... Sau đó là Thế Chiến thứ hai, rồi chiến tranh Việt - Pháp; và tất nhiên là chiến tranh đã làm nền bóng đá Việt Nam dậm chân tại chỗ. 

Về thành tích chung cả ba miền thì năm 1951, một đội tuyển Việt Nam (với thành phần gồm Quyền, Quới, Waico, Vẹn, Thọ 2, Tư, Mỹ, Cưỡng, Hiếu, Trọng, Ðức của miền Nam, Hiệt của miền Trung, Thọ Ve, Ứng, Hợi, Khuê của miền Bắc)... được phép đi thi đấu giao hữu ở Algeria, Pháp (thua Nice 1-4, Rouen 1-3) và Thụy Ðiển (thua Stockhom 1-4). 

Cho đến năm 1954, thành tích quốc tế chính thức duy nhất (đồng thời có thể xem như đầu tiên và cuối cùng) của đội tuyển quốc gia Việt Nam thời Pháp thuộc là tham dự Á Vận Hội lần thứ hai được tổ chức tại Manila (Philipin), dù không vượt thoát nổi vòng loại (thắng Philipin 3-2, thua Ðài Loan 1-2). Mặt khác, cột mốc đáng ghi nhớ nhất ở đây nằm ngoài lĩnh vực thể thao: trong khi thi đấu thì hiệp định Genève được ký kết, đất nước tạm thời chia đôi, nên đội tuyển Việt Nam (với thành phần: Lâm Kinh, Quí, Quới, Pierre Nhung, Thọ, Hiếu, Maurice Tài, Myo Hồ, Coón, Mỹ, Thách, Phải, Ðức, Tư, Chạc của miền Nam, thêm Ứng, Hợi, Khê từ miền Bắc) vừa về đến Sài Gòn thì đành phải chia thành hai ngả. 

Nhưng cũng từ năm 1954 trở đi, khi hoà bình được lập lại phần nào sau hiệp định Genève, phong trào bóng đá ở cả hai miền mới được phục hồi và nhanh chóng phát triển trở lại, dù trong điều kiện đất nước chia đôi và sau đó là chiến tranh lần nữa. 

Ở miền Bắc, đội bóng đá Thể Công, ra đời từ phong trào thể thao của QĐNDVN và được chính thức thành lập ngày 23/9/1954, thi đấu và phát triển mỗi ngày một mạnh, nhiều năm đoạt chức vô địch. Năm 1960, do yêu cầu xây dựng "mũi nhọn đỉnh cao", Trường Huấn luyện TDTT Trung ương được thành lập. 

Đội tuyển Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thời đó (thực chất là lấy Trường Huấn luyện quốc gia làm nòng cốt, phối hợp cùng Thể Công) được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc, Đức... đã đạt được thành tích cao ở các giải Galefo (Indonesia, 1963) và Galefo Châu Á (Campuchia, 1966), và trong các cuộc thi đấu thuộc khu vực cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa, đương đầu ngang ngửa với các đội mạnh như đội tuyển Trung Quốc, Triều Tiên, có lần còn thắng cả đội tuyển trẻ Liên Xô tại Moscow. Lớp cầu thủ: Thọ, Long, Phàn, Ngọc, Chính, Vinh, Từ Hiển, Hùng (xồm), rồi tiếp đến lớp Khánh, Giáp, Thế Anh thực sự đã đạt được những bước tiến dài, đáng tự hào của bóng đá miền Bắc Việt Nam. 

Trong Nam, bóng đá cũng phát triển mạnh suốt thời gian ấy, làm cho các nước trong khu vực phải kính nể. Vào cuối thập kỷ 1950, đội tuyển Việt Nam Cộng Hoà đã trở thành 1 trong 4 "cường quốc bóng tròn Châu Á", khi lọt vào vòng chung kết giải Vô địch châu Á 1960 cùng với Nam Hàn, Ấn Độ, Trung Hoa quốc gia (do Hồng Kông đại diện). Cựu "Đại Vương Túc Cầu" Lý Huệ Đường, HLV của đội tuyển Hồng Kông, người trong thập niên 1940 đã từng chê bóng tròn Việt Nam như ếch ngồi đáy giếng, bây giờ phải công nhận rằng đội Việt Nam có lối đá đa dạng nhất trong các đội châu Á, và các cầu thủ Việt Nam là những thuật sĩ bóng tròn trên sân cỏ. 

Một chứng cớ khác: khi ghé Sài Gòn để đá giao hữu với Ðội Tuyển Việt Nam Cộng Hoà năm 1959, nhà dìu dắt đội Nhật đã tặng cho Tổng Cuộc Bóng Đá Việt Nam một đôi giầy nhỏ trước khi thi đấu, với ý nghĩa trình độ bóng đá của Nhật chỉ như đôi giầy nhỏ này so với Việt Nam, mong rằng sau các lần thi đấu, Nhật sẽ học hỏi được nhiều bài học quý giá từ một làng bóng có tiếng ở châu Á. Song chỉ 5 năm sau, bóng đá Nhật không còn là đôi giầy nhỏ nữa. 

Từ năm 1960 đến năm 1966, Việt Nam Cộng Hoà thường được xếp hạng từ thứ ba đến thứ nhất trong các giải bóng đá tại châu Á. Một trong những sự kiện đáng ghi nhớ nhất của lịch sử thể thao Việt Nam là Ðội Tuyển Việt Nam Cộng Hoà, dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên Weigang người Ðức, đã đoạt Cúp Merdeka lần thứ 10 do Malaysia tổ chức năm 1966, với sự tham dự của 12 đội bóng của 12 nước. Giải này ra đời từ năm 1957, do sáng kiến của Thủ Tướng Malaysia Abdul Rahman (vốn là cựu hậu vệ của đội tuyển quốc gia, và Merdeka có nghĩa là Ðộc Lập), lúc bấy giờ đã trở thành một giải bóng đá quốc tế hàng năm rất có uy tín trên khắp lục địa. 

Về nội bộ, năm 1954 cũng đánh dấu một thay đổi lịch sử khác là sự mất mát của Ngôi Sao Gia Định. Vì nhiều lý do khác nhau, nhóm cầu thủ đã làm rạng danh bộ áo màu xanh đen với ba sọc ngang và ngôi sao trên ngực trái mỗi người bỗng đi một ngả, song chủ yếu là về đầu quân cho AJS (Association de la Jeunesse Sportive), hoặc Cảnh Sát. Cùng với hai đội khác là Tổng Tham Mưu (TTM) của Quân Ðội và Quan Thuế ít lâu sau, bốn đội này luân phiên thống trị bóng đá miền Nam cho đến năm 1975. 

Năm 1968, khi giải vô địch Á Châu dành cho các câu lạc bộ vô địch ở mỗi quốc gia (C1) được tổ chức lần đầu tiên tại Bangkok, đội AJS đại diện cho VNCH đã sang dự thi, hoà với Bangkok Bank (Thái Lan), và Mysou State (Ấn Ðộ) 1-1, hạ Lions (Philipin) 6-1, thắng Yangzee (Ðại Hàn) 5-3, chung cuộc đứng thứ 5 trong số 10 đội tham dự. 

Nói tóm lại, dù ở mức độ quốc gia hay câu lạc bộ, bóng đá cả hai miền đều phát triển khả quan. Riêng trong Nam, nền bóng đá VNCH đã nghiễm nhiên trở thành một cường quốc trong vùng Ðông Nam Á, và đang trên đường chinh phục toàn bộ lục địa thì bị gián đoạn. 

BÓNG ĐÁ MIỀN NAM VÀ THÀNH TÍCH QUỐC TẾ (1930-1975) 

Thành tích quốc tế của các đội tuyển miền Nam (với những danh xưng khác nhau, từ Ðội Tuyển Nam Kỳ, Nam Việt, Sài Gòn, đến Việt Nam Cộng Hoà), qua các giải bóng đá thế giới, Á Châu, và các trận hữu nghị quốc tế, có thể được ghi lại như sau: 

World Cup 

 - 1974, Khu vực châu Á: VNCH tham dự lần đầu, bị loại sau 3 trận (2 thua 1 thắng: VNCH- Ðại Hàn 0-4, VNCH Hông Kông 0-1, VNCH-Thái Lan 1-0) 

Thế vận hội 

- 1963, Tranh vòng loại Thế Vận Hội Tokyo 1964, bị loại bởi Ðại Hàn và Israël (VNCH - Isarel 0-1 tại Sài Gòn, Israël - VNCH 0-2 tại Tel Aviv, Đại Hàn - VNCH 3-0 tại Seoul, VNCH- Đại Hàn 2-2 tại Sài Gòn). 

- 1968, Tranh vòng loại Thế Vận Hội Mexico 1968, bị loại vì chỉ đứng thứ 4 trên 6 đội trong bảng, với kết quả là 2 trận thắng, 1 hoà, 2 thua (VNCH - Philipin 10-0, VNCH - Ðài Loan 3-0, VNCH - Lebanon 1-1, Nhật Bản - VNCH 1-0, Đại Hàn - VNCH 3-0. 

Vô địch quốc gia châu Á 

- Lần 1 (1956, Hông Kông), thua Israël và Ðại Hàn, không vượt thoát vòng loại. 

- Lần 2 (1960, Seoul) sau khi đứng đầu bảng ở vòng loại (có Malaysia, Singapore), VNCH lọt vào vòng chung kết, xếp thứ 4 sau khi thua Đại Hàn 1-5, Ðài Loan 1-3 và Isarel 1-5. 

ASIAD (Á Vận Hội)  

- Lần 1 (1951, New Dehli), VN không tham dự 

- Lần 2 (1954, Manila), VN không vượt thoát vòng loại, thắng Philipin 3-2, thua Hông Kông (đại diện cho Ðài Loan) 1-2. 

- Lần 3 (1958, Tokyo), VNCH hoà Pakistan 1-1, thắng Malaysia 6-1, nhưng vẫn bị loại 

- Lần 4 (1962, Jakarta), VNCH đứng thứ 4 trong số 8 đội tham dự (thua Ấn Ðộ 2-3 ở bán kết, thua Malaysia 1-4 trong trận tranh huy chương đồng) 

- Lần 5 (1966, Bangkok), VNCH không vượt thoát vòng loại, do thua trận quyết định trước Singapore 1-4. 

- Lần 6 (1970, Bangkok), VNCH không vượt thoát vòng loại. 

SEA Games 

- Lần 1 (1954, Bangkok), VNCH - Thái Lan 3-1, huy chương vàng 

- Lần 2 (1961, Rangoon), VNCH - Thái Lan 0-0 (sau khi hạ Lào 7-0), huy chương đồng 

- Lần 3 (1965, Kuala Lumpur), VNCH - Singapore 4-1, huy chương đồng. 

- Lần 4 (1967, Bangkok), VNCH - Miến Ðiện 0-1, huy chương bạc. 

- Lần 5 (1969, Rangoon), VNCH hoà Thái Lan, huy chương đồng. 

- Lần 6 (1971, Kuala Lumpur), VNCH hoà Thái Lan, huy chương đồng. 

- Lần 7 (1973, Singapore), VNCH - Miến Ðiện 2-3, huy chương bạc. 

- Lần 8 (1975, Bangkok), CHXHCNVN không tham dự. 

 Giao hữu 

 - 1930, tiếp Lạc Hoà (Thượng Hải) và Nam Hoa (Hông Kông): Ngôi Sao Gia Định - Lạc Hoà 0-3, Ngôi Sao Gia Ðịnh - Nam Hoa 1- 4 Commerce Sport - Nam Hoa 1-1, Tuyển An Nam - Nam Hoa 2-2. 

- 1936, tiếp Đội Tuyển Trung Hoa chuẩn bị dự Thế Vận Hội Berlin 1936 Nam Kỳ B - Tuyển Trung Hoa 1-8, Nam Kỳ A - Tuyển Trung Hoa 1-4. 

- 1937, tiếp Đội Tuyển Tinh Châu (Singapore bây giờ) . Liên quân Auto Hall/Cảnh Sát - Tuyển Tinh Châu 1-1 Tuyển Nam Kỳ - Tuyển Tinh Châu 1-3. 

- 1949, tiếp Đội Tuyển Pháp B ; Tuyển Nam Việt - Pháp B 1-2. 

- 1950, tiếp Djurgarden (Thụy Ðiển, qua chiếc cầu nối là nhà báo thể thao Vol Lyberg). Ngôi Sao Gia Ðịnh - Djurgarden 0-3, Nam Việt B - Djurgarden 1-3 Nam Việt A - Djurgarden 2-3. 

- 1951, tiếp Nam Hoa (Hồng Kông) Tuyển Nam Việt - Nam Hoa 1-3 ; Liên Quân Cảnh Sát/Ngôi Sao Gia Ðịnh - Nam Hoa 1-3 ; AJS - Nam Hoa 1-1 ; AJS - Nam Hoa 3-1. 

- 1952, tiếp Nam Hoa Tuyển Nam Việt - Nam Hoa 1-3 ; AJS - Nam Hoa 3-1, Liên Quân AJS/TTM - Nam Hoa 1-3 ; Cảnh Sát - Nam Hoa 1-0. 

- 1953, tiếp Lask (Áo) và Djurgarden (Thụy Ðiển) Cảnh Sát - Lask 1-2 ; AJS - Lask 0-1 và 2-0 Nam Việt B - Lask 1-8 ; Nam Việt A - Lask 1-4 AJS - Djurgarden 0-2 ; Nam Việt B - Djurgarden 1-2 ; Nam Việt A - Djurgarden 2-3 ; (Bắc Việt - Djurgarden 1-7). 

- 1954, tiếp AIK (Thụy Ðiển) ; AJS - AIK 2-2. - 1958, tiếp Wacker (Áo) Tuyển Quân Ðội - Wacker 0-1 ; Tuyển Sài Gòn - Wacker 4-1. 

- 1959, tiếp Đội Tuyển Vienner (Áo), Djurgarden (Thụy Ðiển) và Đội Tuyển Nhật Bản Tuyển Sài Gòn - Vienner 4-1 ; Liên Quân AJS/Cảnh Sát - Djurgarden 1-3 Tuyển Quân Ðội - Djurgarden - 1-1 ; Tuyển Sài Gòn - Djurgarden 3-1. Tuyển Quân Ðội - Nhật Bản 3-1 ; Tuyển Sài Gòn - Nhật Bản 3-1. 

- 1961, tiếp Nơrkoping (hạng ba Thụy Ðiển) và Young Boys (vô địch Thụy Sĩ) Tuyển Sài Gòn - Nơrkoping 1-1 và 0-4. TTM - Nơrkoping 2-1 ; Cảnh Sát - Young Boys 3-2. 

- 1962, tiếp Lima (Peru), Đội Tuyển Quân Ðội Hoàng Gia Anh và Đội Tuyển Đài Loan TTM – Lima 0-3 ; Tuyển Sài Gòn - Lima - 2-2. Tuyển Quân Ðội - Quân Ðội Anh 1-4 ; Tuyển Sài Gòn - Quân Ðội Anh 0-2 Quan Thuế- Ðài Loan 0-1 ; Liên quân AJS/TTM - Đài Loan 0-0 Tuyển Sài Gòn - Ðài Loan 1-1 ; Tuyển Sài Gòn - Ðài Loan 3-1. 

- 1963, tiếp Nguyên Lãng (Hồng Kông) ; AJS - Nguyên Lãng 4-1. 

- 1965, tiếp Odense (vô địch Ðan Mạch) ; Tuyển Sài Gòn - Odense 1-2. 

- 1969, tiếp Đội Tuyển Đài Loan do Lý Huệ Đường hướng dẫn TTM - Ðài Loan 2-1 ; Tuyển Sài Gòn - Ðài Loan 2-0.

- 1973, tiếp FC Hertha 03 (Tây Ðức) ; Tuyển Sài Gòn FC Hertha 1-1. 

- 1975, tiếp FC Hertha 03 (Tây Ðức) Tuyển Sài Gòn - FC Hertha 1-2. Tuyển Sài Gòn - FC Hertha 0-1 

Viễn du 

- 1938, Lần đầu tiên Đội Tuyển Nam Kỳ viễn du thi đấu (với thành phần Tịnh, Tài, Cúi, Xê, Bạch, Bửu, Vẹn, Paccini, Vân Bông, Mạnh, Guichard, Quang, Tốt, Tiền, Đại). Tại Hông Kông, thắng 3, hòa 1 (1-1với Nam Hoa). Tại Philipin thắng 4 hoà 1, thua 2... 

- 1940, Đội Tuyển Nam Kỳ sang Hồng Kông thi đấu, thua Nam Hoa 0-1, thắng Macau 2-1, và Hồng Kông 3-0. 

- 1955, Đội TTM thi đấu giao hữu tại Pnôm Pênh và thua Cảnh Sát Cao Miên 1-3. 

- 1962, Đội Tuyển Sài Gòn sang Indonesia thi đấu, thắng Jakarta 4-3, Sourabaga 2-0 và Tuyển Indonesia 2-1. 

Các giải khác 

- 1934, Giải Liên Cảng do Lãnh Sự Pháp ở Hồng Kông tổ chức tại Sài Gòn. Tuyển Nam Kỳ thắng Hồng Kông 3-1 và 6-0. Giải này sau đó vì nhiều lý do nên không được tổ chức nữa. 

- 1959, Giải Merdeka lần thứ 3: TTM đại diện VNCH thắng Ấn Ðộ 3-1, Nhật 3-2, Singapore 2-1, và chỉ thua Malaysia ở vòng đầu, chung cuộc đứng hạng ba trong số 9 nước tham dự. 

- 1961, Giải Bóng Ðá Quốc Tế tại Sài Gòn lần 1, VNCH đoạt chức vô địch VNCH - Indonesia 4-1 ; VNCH - Malaysia 1-0. 

- 1964, Giải Vô Ðịch Thiếu Niên Á Châu tranh tại Sài Gòn, Ðội Tuyển Thiếu Niên VNCH xếp thứ ba ở bảng loại và chung cuộc đứng thứ 7 trong số 8 đội tham dự. Hai đội Miến điện và Israël đồng vô địch, sau khi hòa 0-0 ở trận chung kết. 

- 1966, Giải Merdeka lần thứ 10: Ðội Tuyển VNCH thắng Singapore 5-0, Nhật Bản 3-0, Malaysia 5-2, Ðài Loan 6-1 đứng đầu bảng vòng loại (4 chiến thắng, 8 điểm, hiệu số bàn thắng bại 19/3), trên đội thứ nhì là Ấn Ðộ rất xa (6 điểm, 2 thắng, 2 hoà). Ðể dưỡng quân, Huấn Luyện Viên Weigang xếp thành phần trừ bị để đấu với Ấn Ðộ và chỉ thua 0-1, sau đó thắng Miến Ðiện 1-0 trong trận chung kết, đoạt cúp (Ðội Tuyển VNCH 1966, với thành phần tuyển thủ: Châu, Chinh, Ngôn, Mộng, Lắm, Tam Lang, Có, Hiển, Hội, Thanh, Vinh, Thuận, Chiêu, Quang, Chánh, Phụng, Ðức, Xê) 

- 1969, Giải King's Cup (Thái Lan), Ðội Tuyển VNCH xếp thứ ba sau khi thắng Tây Úc 3-1, Lào 7-0, hòa Singapore 1-1, thua Indonesia 1-3 và Đại Hàn 0-3. 

- 1971, Giải Presta Sukan lần 1 tại Singapore, Ðội Tuyển VNCH đồng vô địch với Ấn Ðộ sau khi hòa 0-0 ở trận chung kết. 

 - 1971, Giải Vô Ðịch Quân Ðội khu Viễn Ðông (CISM), Ðội Tuyển Quân Ðội VNCH đoạt chức vô địch (với thành phần có Tiết Anh, Võ Thành Sơn, Quang Đức Vĩnh, Võ Bá Hùng...). 

- 1974, Giải Vô địch Học Sinh Á Châu tại Philipin, Ðội Tuyển Học Sinh VNCH xếp hạng ba sau khi thắng Thái Lan 3-1, trước đó ở vòng loại đã thắng Indonesia 3-1, Singapore 2-0 và thua Malaysia 1-2. Chức vô địch thuộc về Malaysia. 

Theo Thể Thao Việt Nam Net

Share:

No comments:

Post a Comment

Popular Posts

Labels